Hiện nay, kế toán viên thất nghiệp rất nhiều. Liệu có phải là do các công việc về kế toán ít quá, không thể tìm kiếm được?
Đầu tháng 7 vừa qua (2017), tôi có cơ hội tham gia một hội thảo do Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội về đổi mới công tác đào tạo Kế toán trong các trường Đại học, Cao đẳng, các doanh nghiệp tham gia đều kêu rất khó khăn trong việc tuyển dụng kế toán viên. Lý do là các em chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm để làm việc.
Các bạn kế toán chưa có việc làm khi gặp tôi, phần lớn đều than thở: “Chỗ nào cũng đòi kinh nghiệm, mà em thì còn ít quá…”
Thì ra công việc cho kế toán không thiếu, nhưng doanh nghiệp và ứng viên chưa gặp được nhau vì rào cản “Kinh Nghiệm”!
Vậy “kinh nghiệm” là cái gì nhỉ? Qua phỏng vấn các ứng viên, mỗi người mô tả một kiểu, nhưng nhìn chung đều khá mơ hồ và không đồng nhất. Quan điểm của QMC như thế nào về việc này, sau đây chúng ta cùng xem xét nhé!
1. Trước hết chúng ta hãy xem xét từ phía ứng viên.
Qua đánh giá của chúng tôi, các ứng viên có nhiều sai lầm khi chuẩn bị hành trang đi kiếm việc làm.
1.1. Sai lầm đầu tiên, coi trọng kế toán Tài chính – Thuế, không chú trọng về kế toán Quản trị (nội bộ):
Phần lớn các học viên kế toán đến với QMC đều có nhu cầu về học Kế toán Tài chính (mà nhiều người hay gọi là Kế toán Thuế), do tâm lý sợ các rủi ro về thuế sau này. Nhưng công bằng mà nói, Kế toán Tài chính – Thuế dễ tiếp thụ hơn Kế toán Quản trị, vì nó có các phương pháp, các công cụ, các mục tiêu đã được chuẩn mực hóa và ít thay đổi theo ngành nghề mỗi công ty. Những người làm lâu năm sẽ “thuộc bài” và trở nên có “kinh nghiệm”. Ở những lớp đào tạo ngắn hạn về Kế toán – Thuế, các kỹ năng và kinh nghiệm cũng được truyền đạt có hệ thống giúp cho học viên có thể đi làm được ngay. Đấy là lý do tại sao người ta hay đi học các lớp “Kế toán thực hành”.
Đối với doanh nghiệp, “Thuế” thực chất chỉ là một khoản chi phí trong số hàng trăm các khoản chi phí trong sản xuất kinh doanh. So với Kế toán Quản trị, các doanh nghiệp thường dành nguồn lực ít hơn cho phần việc này. Thậm chí hiện tại, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đi thuê các đơn vị cung cấp Dịch vụ kế toán (DVKT) để làm. Việc thuê các đơn vị DVKT chuyên nghiệp sẽ đảm bảo chất lượng công việc tối ưu với mức phí phù hợp. Xin lưu ý ở đây là DVKT do các đơn vị có đăng ký hành nghề, được sự kiểm soát chất lượng của Bộ Tài chính chứ không phải của các cơ sở tự phát mà dân trong nghề gọi là “hành nghề CHUI”.
Công việc kế toán mà các ông bà chủ kỳ vọng nhiều nhất chính là “Kế toán Chi tiết và Kế toán Quản trị ”.
Có thể kể vài công việc về Kế toán chi tiết: Theo dõi thực hiện hợp đồng, hỗ trợ hoặc trực tiếp Thu – Chi tiền bạc, Nhập – Xuất hàng hóa, lập hóa đơn bán hàng, làm các biên bản đối chiếu hoặc thư xác nhận công nợ, đòi nợ, tính toán quản lý các khoản chi nội bộ như tiền lương, mua văn phòng phẩm…
Về Kế toán Quản trị, có một số công việc điển hình sau: Tổng hợp và phân loại khách hàng, công nợ, hàng tồn kho, chi phí của mỗi hợp đồng theo nhiều tiêu chí; Tính toán các chỉ số tài chính theo từng mảng công việc phát sinh cho từng thời kỳ. Đặc điểm của báo cáo Quản trị thường là:
– Các tiêu chí rất Linh Động tùy theo loại hình kinh doanh của doanh nghiệp;
– Các tiêu chí được thiết lập theo yêu cầu của chính Chủ Doanh Nghiệp (hoặc ban Giám đốc).
Và chính vì vậy nên thường là không có một khuôn mẫu nào cho việc thiết lập các loại báo cáo Quản trị. Chỉ những người thật sự có kinh nghiệm mới đảm nhận được. Ở các “lớp Kế toán thực hành” hiện tại thường không có nội dung này trong chương trình.
Với việc chỉ chú trọng Kế toán Tài chính mà không quan tâm tới Kế toán Chi tiết và Kế toán Quản trị, ứng viên dù có được tuyển đi làm thì hiệu quả công việc cũng không cao.
1.2. Sai lầm thứ hai, chỉ chú trọng về kế toán mà chưa chịu tìm hiểu về ngành nghề, quy trình công nghệ của doanh nghiệp mình sẽ làm việc:
Làm kế toán xây dựng mà không phân biệt được cát vàng và cát đen. Làm kế toán nhà máy sản xuất thức ăn gia súc mà không biết việc phân loại thành phẩm dành cho lợn con và lợn thịt, không nắm được định mức sản xuất từng loại. Làm ở doanh nghiệp cơ khí chế tạo mà không biết máy bào và máy phay khác nhau ở đâu… Đây là các thiếu sót không được khắc phục trước khi đi xin việc của các ứng viên.
Tôi đã từng đặt câu hỏi với các ứng viên ứng tuyển vào công ty xây dựng: vì sao ở công trường, người ta không làm kho chứa gạch, cát, trong khi đó lại đưa sắt thép, xi măng vào nhà kho. Thật hài hước, phần lớn câu trả lời là “vì nó đắt hơn gạch, cát và dễ bị ăn cắp”. Câu trả lời đúng ở đây là “sắt thép, xi măng cần bảo quản trong kho vì nó dễ bị tác động từ thiên nhiên làm hư hỏng”.
Không có sự hiểu biết cần thiết thì cũng sẽ không quản lý được các đối tượng đó. Mà công việc của kế toán viên lại chính là quản lý các tài sản ấy.
Đây cũng chính là lý do sản phẩm của các bạn kế toán viên này xa rời thực tế và hầu như không sử dụng được.
Nhưng có những ứng viên không hề kém chút nào nhưng cũng khó tìm việc hoặc không trụ được lâu tại doanh nghiệp. Lúc này lý do chính là từ phía doanh nghiệp.
2. Về phía doanh nghiệp cũng có một số điều phải cân nhắc và thay đổi.
Phần đông các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mới có Nội quy lao động, chưa có được hệ thống Quy định, Quy chế dành cho các bộ phận khác nhau trong công ty, bao gồm cả Bộ phận Kế toán. Thông thường, một Quy định cho bộ phận kế toán phải có các thành phần sau:
– Mục đích, chức năng, nhiệm vụ của công tác kế toán;
– Cơ cấu nhân sự và nhiệm vụ cụ thể của từng người (còn gọi là Bản Mô tả công việc);
– Bản mô tả về các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong doanh nghiệp, các hướng dẫn hạch toán kế toán cho từng nghiệp vụ;
– Chế độ báo cáo và các biểu mẫu báo cáo định kỳ.
Vốn dĩ các CEO không có nhiều kiến thức về kế toán, vì vậy việc chỉ đạo công tác kế toán là rất khó khăn. Vì vậy việc có Quy định như trên là vô cùng cần thiết, giúp cho các CEO thuận lợi cho việc quản lý điều hành. Mặt khác, với các kế toán viên, căn cứ vào các Quy định này, họ sẽ biết mình cần thực hiện phần việc của mình ra sao, đồng thời dễ dàng đánh giá mức độ hoàn thành công việc của họ.
Hệ thống Quy định này còn giúp cho người mới đến nhanh chóng tiếp cận và thành thạo với công việc được giao.
Qua phân tích như trên, có thể thấy các vướng mắc đều có thể khắc phục được. Chỉ cần các chủ doanh nghiệp và ứng viên quyết tâm, mọi việc sẽ đâu vào đấy.
3. Vai trò của QMC trong việc kết nối Ứng viên và Doanh nghiệp
QMC là đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán chuyên nghiệp. Những năm qua, lượng khách hàng yêu cầu cung cấp ứng viên Kế toán và Dịch vụ Tư vấn Kế toán quản trị ngày càng tăng. Công ty đã xây dựng Quy trình Đào tạo và Cung cấp dịch vụ Tư vấn chặt chẽ, hoàn chỉnh.Các nội dung đào tạo cho ứng viên tập trung vào 5 chuyên đề sau:
– Tìm hiểu đặc điểm riêng và quy trình công nghệ của từng loại hình doanh nghiệp;
– Tự định hướng và xây dựng được Bản mô tả cho công việc của bản thân;
– Bổ túc các kiến thức về kế toán;
– Nâng cao Kỹ năng làm việc, nhất là về máy tính và office;
– Biết cách sử dụng và tuân thủ các Quy trình & Quy chế làm việc.
Về Kế toán Quản trị, QMC đã chuyển giao thành công cho hàng chục đơn vị và phần lớn đều áp dụng thành công. Nói là phần lớn, vì ở một số doanh nghiệp thiếu sự tuân thủ từ chính Chủ doanh nghiệp. Rất đáng buồn.
Dịch vụ Tư vấn Kế toán Quản trị tập trung vào các công việc:
– Tạo lập hệ thống Quy định, Quy chế tùy theo loại hình ngành nghề và công việc cụ thể của doanh nghiệp khách hàng;
– Chuyển giao và hướng dẫn cho Ban Giám đốc cùng nhân viên của khách hàng thực hiện;
– Giám sát và điều chỉnh lại các Quy định, Quy chế để tối ưu hóa hơn nữa các hiệu ứng;
– Hỗ trợ khách hàng sau khi kết thúc hợp đồng.
Hy vọng, các dịch vụ của QMC sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần vào tiến trình phát triển của Quý vị!
#QMCOnline #nnqdvkt
Bản quyền bài viết thuộc về QMC – Dịch vụ kế toán
Khi copy vui lòng ghi đầy đủ nguồn: http://qmc.vn