Từ một kẻ ngu ngơ…
Đầu năm 2008, hồi đó tôi vẫn đang làm kế toán doanh nghiệp, vô tình gặp lại cậu em đồng nghiệp làm ở đơn vị khách hàng, anh em hàn huyên hồi lâu mới biết cậu ấy giờ đang thất nghiệp.
Tôi bảo:
- Việc thiếu gì, sao không kiếm một chỗ mà làm.
- Em đang định đi học để thi chứng chỉ anh ạ.
- Chứng chỉ gì nữa, có cái Kế toán Trưởng rồi còn gì?
- Kế toán TRƯỞNG không bằng Kế toán VIÊN anh ạ.
Tôi ngạc nhiên:
- Chú cứ đùa!
- Không em nghiêm túc mà. Ô thế anh không biết à? – Đến lượt nó ngạc nhiên – Em định thi lấy chứng chỉ Kế toán VIÊN hành nghề.
- Tức là sao?
- Đúng là anh không biết thật. Anh có biết Dịch vụ kế toán không? Tức là nhận việc của nhiều công ty về để làm ấy?
- Anh cũng đang nhận của mấy anh bạn có công ty riêng đây.
- Đấy là anh làm nhỏ lẻ. Anh mà có chứng chỉ KẾ TOÁN VIÊN HÀNH NGHỀ, anh có thể mở công ty chuyên về Dịch vụ kế toán làm thuê cho nhiều doanh nghiệp. Mà anh làm như hiện tại là vi phạm pháp luật đấy. Chỉ người có chứng chỉ mới được cung cấp Dịch vụ kế toán – Nó nói một hơi – Thôi đợt này đi học cùng em đi.
- Thế à? – Bán tín bán nghi, tôi bảo – Ok, để anh xem đã.
Tối về nhà tôi mở mạng ra xem. Hồi đó anh Google hoạt động đã tốt lắm rồi, chỉ vài giây, tôi đã có được các thông tin cần thiết.
Đi học ư, mất nửa năm học hành, thi cử. Đã lâu không cầm bút (toàn dùng máy tính), chả biết có viết nổi không. Mà mình cũng đã 41 rồi…
Nhấc máy gọi điện cho ông em, tôi bảo anh xem hết rồi, nhưng có vẻ loằng ngoằng đấy, cái vụ cho thi dần trong 3 năm chứng tỏ nó không dễ nhằn đâu em ạ.
- Anh ơi, em vừa có thông tin là Bên Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam có mở lớp ôn thi ở tòa nhà Kiểm toán Nhà nước, mai anh đến xem thế nào.
Sáng hôm sau, tôi mò đến từ sớm đã thấy ồn ào, nhộn nhịp lắm rồi. Hóa ra lớp này đã học được hơn 1 tuần. Một em ngồi ở bàn Đón tiếp hỏi tôi, anh đăng ký học từng môn hay trọn gói ạ?
Bụng bảo dạ, mình mới chỉ định đến thăm quan thôi, chứ đăng ký đăng kiếc gì, nên bảo:
- Em cho anh ngồi nghe một lúc đã, rồi anh sẽ quyết định.
Mượn tập tài liệu của một bạn gần đó xem, tôi thấy người cứ nóng dần lên. Chết cha, năm môn (Hồi đó thi Kế toán hành nghề có cả môn Vi tính), mà cái nào cũng nhiều vấn đề thế này thì học căng đây.
Ngồi thêm một lúc, tôi làm quen với mấy chị còn hơn tôi đến vài tuổi, hỏi ra mới biết các chị ở Quảng Ninh. Chả là lớp này học cả ngày thứ 7 và Chủ nhật nên cứ tối thứ 6 các chị đã từ Hòn Gai lên đây rồi. Thuê ở trọ đến chiều Chủ nhật lại tất tả ra xe về lại Quảng Ninh.
Ngay lập tức, tôi đứng lên ra bàn đăng ký học cả năm môn. Và chuỗi ngày đi học với ôn thi bắt đầu 🙂
… tôi đã quyết chọn nó!
Lớp học của chúng tôi có hơn 100 người đến từ khắp các tỉnh phía Bắc. Có những bạn đi học rất đều, luôn luôn ngồi ở những bàn đầu. Nhưng có những người chỉ thích ngồi cuối lớp làm việc riêng, và thậm chí đi học bữa đực bữa cái. Thì ra, đến cái chứng chỉ máu lửa thế này vẫn có những người hình như đi học vì người khác 🙂
Tôi còn nhớ, đầu tiên chúng tôi được học chuyên đề Pháp Luật. Thầy Mạnh đến từ trường Luật giảng rất hay. Xuất phát từ các bộ Luật hiện hành được gắn với nhiều ví dụ thực tiễn nên các bài học rất cuốn hút. Điều này thực sự là một may mắn cho chúng tôi – vì thấy hay nên nhiều người đã có được cảm hứng học tập ngay từ đầu.
Tôi chỉ không đồng ý với thầy 1 điểm duy nhất. Đó là các câu hỏi so sánh giống – khác nhau, tôi hay lập dưới dạng bảng (table) còn thầy thì khuyến cáo là không nên, hãy diễn giải dưới dạng văn cho nó dài. Nhưng tôi vẫn làm theo cách của mình. Sau này kết quả thi cho thấy là tôi đã đúng. Cách diễn đạt đó rất rõ ràng mạch lạc, tôi đã được điểm 9 môn này.
Thầy giao cho rất nhiều bài tập, và nó rất dài. Tất cả chúng tôi đều đang đi làm cả nên thời gian tự học không có nhiều, lại còn con cái, gia đình nữa chứ. Chính vì vậy tôi đã nảy ra một mẹo…
Ở buổi đi học kế tiếp, vào lúc nghỉ giữa giờ, tôi đứng lên nêu ý tưởng:
- Một mình làm bài sẽ không xuể vì thời gian ít quá. Vả lại làm xong rồi cũng chả biết đúng hay sai. Đặc điểm thi kiểu này là không có “chọi” như Đại học, mà cứ đủ điểm là vào thôi. Chính vì thế việc học Nhóm rất phù hợp. Theo tôi, lớp mình nên chia thành vài nhóm, và mỗi nhóm sẽ được phân công trả lời một vài câu hỏi. Sau đó chúng ta gộp lại cùng chữa để có được một bộ đáp án chuẩn nhất.
Cả lớp ồ lên ủng hộ ý tưởng và ngay lập tức các Nhóm được thành lập. Câu hỏi cũng được chia rất nhanh. Chúng tôi cùng chốt ngày nộp đáp án.
Cuối cùng, ngày chốt đã đến, nhưng thật đáng buồn, tôi chỉ nhận được kết quả từ 2/5 nhóm. Sau đó tôi đã hiểu là ngoài những người không có điều kiện, một số khác thực ra không thích học nhóm. Họ cứ lẳng lặng một mình. Đấy là những người có khả năng bản thân rất tốt, chỉ đáng tiếc là không đóng góp được gì cho cộng đồng.
Và tôi cũng hiểu, mọi việc không phải cứ muốn là được. Cần phải có những cộng sự đồng cảm và tâm huyết. Quan niệm này đã giúp ích tôi suốt quãng thời gian hành nghề đến tận bây giờ.
Thế là chúng tôi tổ chức lại, chỉ còn một nhóm duy nhất khoảng chục người, và toàn là những người tâm huyết, có tương tác thực sự với nhau. Lại phân công như ở mô hình cũ. Mỗi người được giao 1 câu hỏi, sau khi hoàn thiện gửi đến cho những người khác để xem và note lại những chỗ chưa ưng.
Hồi đó chưa có Facebook như bây giờ, Gmail vẫn chưa phổ biến, Yahoo vẫn đang thời đỉnh cao. Toàn liên lạc bằng yahoo mail và chat, mạng lại chậm nên thu thập tài liệu cũng khó khăn hơn bây giờ. Vì vậy chúng tôi chủ yếu là học offline.
Điạ điểm là ở nhà tôi vì nó khá rộng và có thể tới bất cứ lúc nào, tránh ngồi ở nhà mình để thoát ly các công việc vặt. Đến buổi tụ tập định kỳ, khổ chủ đọc to bài làm của mình để những người khác góp ý kiến và được chốt đáp án ngay. Cứ như vậy, chúng tôi đã giải quyết được hết các câu hỏi.
Đáp án sau đó được gửi đến toàn bộ các thành viên trong lớp. Cũng có ý kiến cho rằng, người khác không tham gia thì gửi cho họ làm gì, nhưng tôi thì chẳng nghĩ thế. Chính từ sự chia sẻ, chúng tôi đã nhận lại được sự phản hồi tích cực từ những cá nhân “tự học một mình”. Đó là các ý kiến hay hơn và tối ưu hơn nữa.
Các chuyên đề khác còn vất vả hơn nữa, nhất là môn Tài chính. Trừu tượng, quá nhiều công thức và tình huống đánh đố. Ngay môn Kế toán và Thuế, tưởng là “ruột” của mình mà cũng đau hết cả người.
Có một chuyện cũng khá hài hước, đó là một cô giáo – trưởng bộ môn, tôi không tiện nêu tên, giảng lý thuyết thì rất “nuột”, nhưng chữa bài tập thì sai. Bị học trò bắt bẻ, cô lại đưa ra một phương án khác nhưng cũng không đúng, hẹn sẽ xem lại và trả lời vào buổi sau. Đến buổi sau đó cũng không khá hơn. Và thế là, chúng tôi đành tự mời một cô giáo khác là cấp dưới đến phụ đạo tại nhà riêng 2 buổi. Ok liền 😉
Thầy Chúc Anh Tú – Học viện Tài chính là người giảng cho chúng tôi phần kế toán. Hồi đó, thầy vừa là thầy, vừa là bạn cùng đi thi với chúng tôi. Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh thầy một tay cầm thước kẻ và máy tính (calculator), tay kia vừa cầm bút và micro vừa bấm máy để chữa bài tập, người nhễ nhại mồ hôi. Chúng tôi học được ở thầy cái tinh thần học tập không ngừng nghỉ.
Kỹ năng làm bài thi cũng được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Bấy lâu nay quen sử dụng máy tính, cầm bút viết được nửa trang giấy là đau hết cả tay. Vì vậy sau khi xong toàn bộ đáp án, chúng tôi đã làm thử bài thi xem nó thế nào. Cũng tính giờ, làm bài bằng viết tay, tập sử dụng calculator cho quen.
Cứ vậy, chúng tôi miệt mài suốt từ tháng 5 đến tháng 8 thì có vẻ tạm ổn. Chỉ có phần thi vi tính (bây giờ đã bỏ) thì nhiều người e ngại. Kỹ năng sử dụng máy tính nó được trui rèn qua năm tháng, tập tành vài buổi đâu có ăn thua gì. Một điều e ngại nữa, đó là khi thi, chúng tôi sẽ phải làm bài trên laptop của Hội đồng thi. Hồi đó laptop chưa phổ biến, ít người có nên không phải ai cũng biết dùng. Chưa kể, mỗi loại máy có sự khác biệt nên việc làm quen cũng mất thời gian.
Cuộc chiến trường kỳ
Phải dùng từ cuộc chiến, vì nó cũng dữ dội, chỉ có điều là chiến đấu với chính mình. Trước khi thi chúng tôi đã kịp quay thêm một vòng ôn nữa. Hôm đầu tiên đến nhận số báo danh, mấy anh em tụ tập ở nhà tôi và cùng xuất phát đến trường thi. Làm vậy là để tự lên dây cót tinh thần cho nhau.
Thật tiếc, trong nhóm 10 người chúng tôi, có 2 người bỏ không đi thi được vì vướng chuyện gia đình đột xuất, còn có 8 anh em.
Qua 2 ngày rưỡi, sự tươi héo của khuôn mặt thay đổi qua từng môn thi. Bước ra khỏi phòng là háo hức chia sẻ, là tiếc nuối không thể kìm nén, điều mà ai đã từng ngồi trên ghế nóng mới hiểu được. Tôi còn nhớ bản thân không làm hết được câu hỏi rất đơn giản: “Các định khoản liên quan đến thanh lý TSCĐ”. Ra khỏi phòng thi rồi mới nhớ ra phần còn thiếu 🙁
Sau hai tháng chờ đợi căng thẳng, cuối cùng chúng tôi cũng biết kết quả thi. Trong cả lớp ôn năm đó hơn 100 người trong danh sách, chỉ có 5 người đỗ ngay năm đầu tiên. Trong nhóm 8 anh em tôi cũng vinh dự có 2 đồng chí.
Các bạn khác, môn trượt (điểm dưới 5) không nhiều mà chủ yếu là thiếu tổng điểm. Thật đáng tiếc, có người trượt cả môn vi tính. Bản thân tôi, điều mà tôi thấy lo lắng nhất đã thành sự thật, tôi đã trượt môn Tài chính.
Lại tiếp tục chiến đấu thôi!
Sau kỳ Báo cáo tài chính năm 2009, tôi sắp xếp công việc và học lại môn tài chính. Nói học lại không đúng lắm, mà thực ra là rèn kỹ năng làm bài. Không đủ điểm chủ yếu là do kỹ năng làm bài kém, viết chậm, bấm máy tính nhầm, thậm chí bấm đúng nhưng chép vào bài thi sai 😀 …
Đợt ôn này, chúng tôi không học nhóm nữa, nhưng vẫn trao đổi thông tin thường xuyên. May quá, các kiến thức không có sự cập nhật và thay đổi nhiều.
Bây giờ ngồi ngẫm mới hay,
Thi đi thi lại cũng là may chăng
Kiến thức nhào nặn cả năm
Tuy rằng không đỗ, nhưng tăng cái “trình”
😀 😀 😀
Và lại đi thi. Khoảng 1 tháng sau kỳ thi Kế toán viên và Kiểm toán viên hành nghề. Bộ Tài chính tổ chức lần đầu tiên kỳ thi Chứng chỉ hành nghề làm thủ tục về Thuế (Đại lý thuế) chúng tôi lại rủ nhau tiếp tục. Và đương nhiên, chúng tôi chỉ cần thi mỗi một môn Thuế (Kế toán được miễn).
Và trời đã không phụ lòng người, trong số 6 anh em còn lại thì có 5 người đã giành được Chứng chỉ APC, và thật vui, trong đó có tôi 😀
Niềm vui còn nhân đôi thêm nữa, sau một tuần, chúng tôi cũng nhận được thông báo đỗ kỳ thi Đại lý Thuế lần thứ nhất.
Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc ở đây.
Năm 2010, một số trong chúng tôi tiếp tục chinh phục nốt 3 môn còn lại để lấy chứng chỉ Kiểm toán viên hành nghề. Và 5 trong số đó đã thành công!
P/s: nhân vật chính lúc đầu mời tôi đi học, vì lý do riêng đã bỏ ngay từ đầu, bỏ lại mình tôi 😀
Rất mong các chia sẻ của tôi giúp ích được cho các bạn. Chúc các bạn đạt được ước nguyện trong kỳ thi Kế toán viên và Kiểm toán viên hành nghề năm 2017 này!
Nguyễn Ngọc Quang
Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn QMC
Ủy viên BCH Hội Kế toán Hành nghề Việt Nam (VICA)
Bản quyền bài viết thuộc về QMC – Dịch vụ kế toán
Khi copy vui lòng ghi đầy đủ nguồn: http://qmc.vn